Tìm kiếm

TIN TỨC

Vụ bà bán bún có 1.000 tỉ đồng: Người con nuôi là người thừa kế duy nhất

Thứ tư, 10/10/2012, 17:01 GMT+7


 Công chứng viên khẳng định thiếu sổ tiết kiệm gốc vẫn được khai nhận tài khoản.

Như số báo trước đã thông tin, trước thời điểm ngân hàng thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt, người con gái nuôi đã hoàn tất thủ tục khai nhận một phần di sản của bà P. Đúng hay sai trong cách xử lý này của cơ quan công chứng?
Được khai nhận di sản nhiều lần
Theo xác nhận của cơ quan công chứng nơi chị L. từng đến làm thủ tục khai nhận di sản, chị L. đã khai nhận một số tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng. Đến thời điểm này, việc khai nhận đã hoàn tất vì sau 30 ngày niêm yết tại UBND phường thì cơ quan công chứng không thấy có tranh chấp nào liên quan đến các di sản khai nhận. Vị này cũng cho biết theo các điều 49, 50 Luật Công chứng và các quy định khác của pháp luật thì chị L. có thể khai nhận từng di sản hoặc một vài di sản trong khối di sản. Tức là chị L. có thể khai nhận nhiều lần chứ không nhất thiết phải khai nhận hết các di sản trong một lần. Trước giờ, có nhiều người đã khai xong nhưng phát hiện người chết còn có các di sản khác thì vẫn có quyền đi khai nhận tiếp.
Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM, cũng cho rằng việc khai nhận di sản tùy thuộc vào người đi khai. Pháp luật không bắt buộc họ chỉ được khai nhận một lần. Việc khai nhận có thể thực hiện ở nhiều nơi khác nhau tùy thuộc vào sự hiện diện của các tài sản miễn sao người đi khai đúng là người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc…
Với các tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, người đi khai có thể xin giấy xác nhận của ngân hàng chứng minh tài sản đó của người đã chết nếu không có giấy tờ gốc. Trong ảnh: Giao dịch tại Phòng Công chứng số 1 TP.HCM. Ảnh: HTD
Trường hợp không có sổ tiết kiệm bản chính của bà P. thì chị L. có được đi khai nhận? Vị lãnh đạo cơ quan công chứng trên cho biết chỉ đối với một số di sản thì người đi khai mới phải xuất trình giấy tờ bản chính. Với các tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng, nếu không có giấy tờ gốc, người đi khai có thể xin giấy xác nhận của ngân hàng chứng minh tài sản đó của người đã chết. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, giấy xác nhận này còn có giá trị hơn sổ gốc vì nó thể hiện di sản đó có thật ngay tại thời điểm khai nhận.
Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 4 TP.HCM, giải thích: Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Công chứng, các loại tài sản như nhà, đất, xe hơi… mới cần giấy chủ quyền bản chính để đối chiếu. “Nếu gặp trường hợp tương tự (người khai nhận nộp giấy xác nhận của ngân hàng) thì chúng tôi cũng tiến hành cho khai nhận di sản” - ông Hòa nói.
Nếu kiện án phí sẽ rất lớn
Nhiều người còn quan tâm đến vấn đề án phí nếu các anh em bà P. khởi kiện tranh chấp tài sản với chị L. do tổng số tài sản của bà P. để lại là rất lớn. Luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng do là tranh chấp tài sản chung nên tòa sẽ áp dụng việc tính án phí trên số tiền nguyên đơn yêu cầu mà không được tòa án chấp nhận chứ không phải trên tổng số tài sản của bà P. để lại. Trước đó, người khởi kiện phải đóng tiền tạm ứng án phí bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà tòa án dự kiến tính theo giá trị tài sản tranh chấp mà nguyên đơn yêu cầu.
Ví dụ, nếu tài sản tranh chấp có giá trị là 500 tỉ đồng thì mức án phí dân sự sơ thẩm dự kiến sẽ là 608 triệu đồng (= 112 triệu đồng cộng với 0,1% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 4 tỉ đồng). Do tiền tạm ứng án phí là 304 triệu đồng nên nếu thua kiện thì nguyên đơn phải đóng thêm 304 triệu đồng cho đủ 608 triệu đồng.
Không có chuyện tranh chấp thừa kế!
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), do bà P. không có chồng, con ruột, không còn cha mẹ, khi chết không để lại di chúc nên toàn bộ di sản của bà sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Vì thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên người con nuôi của bà P. sẽ là người thừa kế duy nhất khối di sản của bà. Vì các anh chị em của bà P. không được thừa kế nên nếu có tranh chấp liên quan đến khối di sản thì sẽ là tranh chấp tài sản chung chứ không phải là tranh chấp thừa kế như nhiều người lầm tưởng.
Hai lần khai nhận
Theo thông tin do luật sư Nguyễn Bảo Trâm (luật sư của chị L.) cung cấp, chị L. đã lần lượt được hai cơ quan công chứng chứng nhận hai văn bản khai nhận di sản. Cụ thể, Phòng Công chứng số 1 chứng nhận vào ngày 6-6-2011, Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc chứng nhận vào ngày 24-9-2011.
Ở lần hai, chị L. khai nhận chiếc ô tô của bà P. để lại. Trong quá trình làm thủ tục, chị L. bị ông Ph. khiếu nại viện lẽ hội đồng gia tộc và chị L. đã thống nhất giao xe cho chị L. quản lý nhưng chị không được khai nhận di sản để tránh thất thoát. Để có cơ sở xử lý, Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc đã gửi văn bản đề nghị ông Ph. cung cấp các căn cứ liên quan hoặc phán quyết của tòa án. Sau 30 ngày kể từ ngày có văn bản đề nghị nhưng không thấy ông Ph. cung cấp các giấy tờ này, Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc đã giải quyết cho chị L. được khai nhận chiếc ô tô. TT

Người viết : THANH TÙNG