Tìm kiếm

TIN TỨC

Đừng để nạn bạo hành trẻ em tiếp diễn

Thứ bảy, 29/05/2010, 15:30 GMT+7

Gần đây, nạn bạo hành trẻ em gây ra nhiều nỗi bức xúc cho xã hội. Có một vấn đề rất cần quan tâm, phân tích đến tận cùng là vì sao pháp luật phòng chống bạo hành trẻ em không thiếu nhưng tình trạng này vẫn ngày càng tăng?


Luật: mong rất nhiều

Từ năm 1990, Việt Nam đã là nước đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tiếp đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong nhiều lĩnh vực.

Đầu tiên có thể kể Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo điều 5: "Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là của gia đình, nhà trường, Nhà nước, xã hội và công dân. Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu". Còn tại điều 7 đã nghiêm cấm các hành vi: cha mẹ bỏ rơi con; hành hạ, ngược đãi, làm nhục, mua bán, đánh tráo trẻ em; lạm dụng lao động trẻ em, lợi dụng trẻ em để trục lợi...

Kế đó là Luật hôn nhân và gia đình. Tại điều 34 đã yêu cầu: "Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức...".

Nếu không thực hiện nghĩa vụ đó thì theo điều 41, 42 luật này, cha mẹ sẽ phải đối mặt với việc bị tòa án chủ động hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ra quyết định tước hoặc hạn chế quyền làm cha mẹ đối với con chưa thành niên từ một đến năm năm.

Mới đây, trong Luật phòng chống bạo lực gia đình xác định nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em phải được ưu tiên bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Nghiêm khắc nhất là các quy định có liên quan đến việc phòng chống bạo hành trẻ em trong Bộ luật hình sự. Theo đó, có những tội danh, điều khoản quy định các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, tình dục trẻ em, vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em, ngược đãi hoặc hành hạ con, cháu... với lỗi cố ý sẽ bị xử lý theo khung hình phạt nặng hơn hay bị áp dụng tình tiết tăng nặng so với việc phạm tội đối với người lớn.

Còn với những người không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm có liên quan đến việc bạo hành trẻ em như giết, hiếp dâm, cưỡng dâm, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em... thì bị xử lý hình sự.

Ngoài ra có không ít văn bản pháp luật có liên quan khác. Rõ ràng pháp luật Việt Nam mong muốn các quyền cơ bản của trẻ em phải được thực thi và được bảo vệ, mong muốn đem lại rất nhiều nụ cười, niềm hạnh phúc và tương lai tốt đẹp cho trẻ em.

Thực tế: chẳng được bao nhiêu!

Không phải chỉ mới gần đây mà đã mấy năm nay, cộng đồng liên tục nhận được những thông tin hết sức đau lòng về việc trẻ em bị hành hạ bạo tàn từ Bắc chí Nam...

Theo chúng tôi, có mấy nguyên nhân.

Một là việc đánh giá, xử lý những vụ bạo hành trẻ em không tận gốc. Thông thường cơ quan chức năng chỉ mới tập trung xử lý "người dưng" (người thuê lao động trẻ em...) đã trực tiếp đánh đập, ngược đãi, hành hạ trẻ em... Còn với người thân thích, giám hộ của trẻ em (cha mẹ, anh chị...) thì dường như cơ quan chức năng đã bỏ qua, chưa điều tra tới nơi xem liệu họ có phải là đồng phạm với những "người dưng" bạo hành trẻ em để xử lý họ tương xứng.

Hai là khi xử lý cha mẹ ngược đãi con cái, cơ quan chức năng thường chỉ mới quan tâm đến góc độ hành chính (phạt bao nhiêu tiền), hình sự (xử bao nhiêu tháng, năm tù) mà chưa đề nghị tòa án tước hay hạn chế quyền của cha mẹ trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, quyền quản lý tài sản của con (nếu có), quyền đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên theo luật định.

Ba là mặc dù pháp luật đã quy định xử lý hình sự người nào che giấu hay thấy, biết hành vi bạo hành trẻ em đến mức thành tội phạm hình sự (giết, hiếp dâm, cưỡng dâm, mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em...) mà không tố giác tội phạm, nhưng thực tế hầu như chưa thấy ai bị khởi tố.

Cần giải quyết toàn diện và tận gốc

Theo chúng tôi, hiện nay điều quan trọng nhất là một mặt, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chức năng cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng pháp luật về chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em nói chung và phòng chống bạo hành trẻ em nói riêng đến mọi vùng miền đất nước, đến từng gia đình, nhà trường, khu dân cư.

Mặt khác, với từng vụ bạo hành, vi phạm quyền trẻ em, các cơ quan chức năng cần xử lý toàn diện, tận gốc. Việc xét xử lưu động các vụ án cha mẹ vi phạm nghĩa vụ của mình đối với con cái, đồng phạm (giúp sức...) với những người khác bạo hành con mình cần được thực hiện thường xuyên nhằm mục đích phòng ngừa chung đối với xã hội.

Các cơ quan chức năng, đoàn thể nên có những biện pháp giáo dục, xóa bỏ tư tưởng ở một số bộ phận gia đình coi con cháu như là một cái gì đó thuộc "quyền sở hữu" của mình.

Ngoài ra, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu những nơi này mà theo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em như ủy ban dân số - gia đình và trẻ em, cơ quan lao động - thương binh và xã hội, ủy ban nhân dân và Mặt trận Tổ quốc các cấp cũng cần được đặt ra và xử lý cụ thể, chứ không chỉ là kết luận, kiểm điểm chung chung.

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM - TRẦN THỊ LỆ THU

 


Người viết : Luật sư Nguyễn Bảo Trâm - Trần Thị Lệ Thu

 

Các tin khác :